Cách chăm sóc cây cam, quýt đúng kỹ thuật cho cây sai quả
Kĩ thuật chăm sóc cây cam, quýt ?
Hỏi: Gia đình chúng tôi mới lập vườn để trồng cam, quýt, mà chúng tôi lại chưa biết nên làm như thế nào để cây cho năng suất cao.
Xin được hướng dẫn cách làm?
Trả lời: Năng suất cao, phẩm chất tốt thì bên cạnh việc trồng giống tốt, trồng đúng kỹ thuật còn phải chăm sóc cây hợp lý, đây là một việc làm hết sức quan trọng.
Sau đây xin giới thiệu với bạn một số biện pháp cơ bản trong kỹ thuật chăm sóc cây cam, quýt.
Phân bón
Lượng phân bón
Cây cam, quýt cần rất nhiều chất dinh dưỡng, nhất là thời kì cây ra đọt non, ra hoa kết trái.
Muốn cây cho trái năng suất cao, phẩm chất ngon thì phải cung cấp đầy đủ và hợp lí dinh dưỡng cho cây, tuỳ theo đất tốt hay xấu, giống và tình trạng sinh trưởng của cây mà quyết định bón phân sao cho thích hợp, cân đối.
Cần cung cấp đầy đủ phân đạm, lân, kali, bổ xung thêm phân hữu cơ và vi lượng cây để sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.
Thời kì cây còn nhỏ:hai đến ba năm đầu là thời kì kiến thiết cơ bản, cây cam, quýt cần bón đủ lượng phân đạm, lân và kali để giúp cây phát triển cành nhánh.
Nếu trong thời kỳ này cây ra nhiều hoa trái thì nên tỉa bớt để tập trụng dinh dưỡng cho cây.
Lượng phân bón cho mỗi gốc trong một năm có thể như sau:
Năm thứ nhất và thứ hai: Khoảng 0,2- 0,4kg urea; 0,5-1,0kg lân; 0,2-0,3kg kali.
Chia làm 3-5 lần bón trong năm, bằng cách pha vào nước để tưới cho từng gốc
Năm thứ ba và thứ tư: 0,5-0,8kg urea; 1,5-2,0kg lân và 0,5-0,8kg kali.
Hoà nước tưới hoặc rải xung quanh gốc rồi tưới cho phân tan và ngấm dần xuống đất.
Thời kì cho trái:Từ năm thứ năm trở đi là thời kỳ khai thác, cần gia tăng phân kali để cho trái ngọt và chắc.
Tuỳ theo độ màu mỡ của đất, độ lớn của cây và sản lượng trái mà lượng phân có thể gia giảm như sau: 0,2-0,5kg urea; 4,0-5,0kg lân; 1,5-2,5kg kali/cây/năm và được chia làm 3 lần bón như sau:
Sau khi thu hoạch: bón toàn bộ lân, 1/3 urea và 1/3kali
Trước khi ra hoa từ 4-6 tuần: bón 1/3 urea và 1/3 kali
Giai đoạn nuôi trái:bón 1/3 urea và 1/3 kali( Ở những vùng đất cao nên dùng phân sulfat kali)
Cách bón
Ở vùng đất thấp như ĐBSCL cuốc ránh theo hình chiếu của tán lá, rãnh sâu 10-15cm, rộng 10-2-cm, rải phân vào, lấp đất rồi tưới nước.Ở vùng đất cao như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… dựa vào hình chiếu của tán lá, đào hố xung quanh gốc, sâu 20-30cm, rộng 20-30cm cho phân vào rồi lấp đất lại và tưới nước.
Cũng có thể áp dụng cách báon như ở vùng đất thấp.
Khi cây lớn đã giao tán thì không cần đào rãnh, có thể dùng cuốc xới nhẹ lớp đất xung quanh tán cây, rải phân, lấp đất, tưới nước cho phân tan, ngấm dần xuống đất Phân hữu cơ, đặc biệt là phân chuồng đã được ủ hoai mục là loại phân rất tốt cho nhóm cây cam, quýt, mỗi năm nên bón cho một cây khoảng từ 20-30kg phân hữu cơ đã hoai mục vào lúc sau khi thu hoạch.
Nếu đất bị chua nhiều thì cây dễ bị thiếu vi lượng, cần chú trọng nâng cao độ pH cho đất bằng cách mỗi năm bón khoảng 2-5kg vôi bột/ gốc cùng với phân bón hữu cơ.
Có thể sử dụng phân tôm, phân cá ủ hoặc phân dơi để bón cho cây.
Phân bón lá được bón 4-5 lần/vụ vào giai đoạn sau khi đậu trái và giai đoạn trái bắt đầu phát triển nhanh, mỗi lần cách nhau 15 ngày
Tưới và tiêu nước
Nếu trồng một vài cây trong vườn để lấy trái ăn trong gia đình ít ai quan tâm đến việc tưới nước, nhưng nếu đã trồng nhiều, trồng tập trung chuyên canh mang tính chất kinh doanh thì việc tưới nước cho cây cam, quýt phải được đặt ra trong kế hoạch sản xuất.
Mùa mưa, chỉ cần tưới trong những đợt hạn kéo dài, mùa khô tuỳ theo loại đất cao hay thấp, giữ hay không giữ được nước… mà có thể tưới khoảng hai, ba ngày một lần để thường xuyên đảm bảo đủ độ ẩm cho cây.
Ở vùng đất thấp thường bị ngập úng hàng năm, cần xây dựng hệ thống bờ bao xung quanh vườn vững chắc để có thể kịp thời bơm nước ra khỏi vườn khi cần thiết.
Tỉa cành tạo tán
Kết hợp với việc bón phân làm gốc sau khi thu hoạch cần cắt tỉa bỏ bớt các cành già bên trong tán không có khả năng cho trái, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành mọc từ gốc ghép (khi cây còn nhỏ), cành đã mang trái ( thường rất ngắn, khoảng 10-15cm) để tập trung dinh dưỡng cho cây, tăng diện tích lá hữu hiệu, tăng khả năng quang hợp của bộ lá, duy trì sức sống tốt cho cây, bảo đảm sự cân bằng giữa sinh trưởng và ra hoa kết trái và tạo cho vườn cây luôn được thông thoáng, khô ráo, hạn chế bớt tác hại của sâu bệnh, nhất là một số bệnh có liên quan chặt chẽ đến điều kiện ẩm ướt như bệnh thối gốc chảy mủ, bệnh đốm đồng tiền…
Tạo tán là việc làm cần thiết nhằm tạo cho cây có bộ khung cơ bản, vững chắc, từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp.
Tủ gốc giữ ẩm
Trong nhóm cây có múi nói chung và cây cam quýt nói riêng, loại rễ con hấp thu dinh dưỡng cho cây phần lớn phân bố ở trên lớp đất mặt.
Vào mùa khô nóng, nhiệt độ cao dễ làm ảnh hưởng đến bộ rễ, vì thế vào mùa khô, nóng cần dùng rơm rạ hoặc cỏ rác, cây lục bình… để tủ gốc giữ ẩm cho cây.
Kinh nghiệm của những nhà vườn ở miền Tây Nam Bộ thường duy trì một lớp cỏ rau trai trong vườn cũng có tác dụng giữ ẩm cho cây vào mùa khô rất tốt.
Bồi liếp, vun gốc, làm cỏ, xới xáo…
Ở những vùng đất thấp trồng bằng canh đắp mô, những năm đầu mỗi năm đất đắp phụ thêm vào chân mô, để chân mô rộng ra khoảng 40-50cm.
Khi chân các mô giáp mí nhau thì mỗi năm dùng bùn vét mương hoặc đất phù sa, đất tốt… bồi thêm lên mặt liếp từ 3-5cm.
Ở những vườn đất cao trồng theo kiểu đào hố, hàng năm dùng đất tốt vun thêm vào gốc.
Thường xuyên làm cỏ, vệ sinh vườn tược, xới xáo cho vườn sạch cỏ, đất tơi xốp.
Xử lí ra hoa
Dùng biện pháp xiết nước để kích thích ra hoa.
Khi mùa mưa dứt ( vào tháng 12-2,3 dương lịch), làm cỏ rút nước ra khỏi mương, ngưng tưới nước khoảng 3 tuần.
Khi cây có triệu trứng héo lá thì tưới đẫm nước trở lại 3 ngày liên tục, sau đó tiến hành bón phân và bồi liếp bằng bùn hốt mương.
Khi lớp bùn khô nứt tiếp tục tưới nước trở lại.
Khoảng 5-10 ngày sau khi tưới nước cây sẽ ra đọt non và nụ hoa.
Việc xiết nước lâu dài sẽ làm giảm tuổi thọ của cây, vì thế thời gian xiết nước không nên kéo dài quá 3 tuần lễ Đối với những vùng đất thấp không chủ động được nước.
Sau khi thu hoạch tiến hành vệ sinh vườn tược, sau đó bón phân urea với liều lượng cao gấp đôi bình thường ( không bón lân và kali).
Phía trên bồi thêm một lớp bùn mỏng khoảng 2-3cm.
Đồng thời việc bón phân thì phun KNO3 nồng độ 0,1%.
Sau khi xử lý 20-30 ngày cây bắt đầu nẩy tược và ra hoa.
Lưu ý bón phân xử lý vào thời gian khô ráo không có mưa, nếu gặp mưa liên tục thì cách làm này sẽ không có hiệu quả
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Việt Nam cung cấp sầu riêng lớn thứ 2 cho Trung Quốc
- Nhức nhối vấn nạn phân bón giả hoành hành ở các tỉnh miền Tây
- Chuyên gia thế giới đánh giá thế nào về thị trường phân bón Việt Nam?
- MEKONGAGRI CHÚC MỪNG LÔ SẦU RIÊNG ĐẦU TIÊN XUẤT SANG TRUNG QUỐC
- Lộ diện thêm nhiều doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật gian dối
- Hiểu và sử dụng như thế nào cho đúng đối với các chất trung, vi lượng để đạt hiệu quả cao nhất cho cây trồng?
- Nguy cơ giá phân bón trong nước tiếp tục lập đỉnh mới
- QUY TRÌNH CANH TÁC CÂY DƯA HẤU
- KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY KHOAI LANG NHẬT
- Đứt gãy nghiêm trọng nguồn cung potash từ Canada, giá phân bón thế giới tiếp tục tăng vọt
- Nga giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu, dự kiến giá phân bón thế giới tăng sốc
- Nga giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu, dự kiến giá phân bón thế giới tăng sốc