QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC CÂY DỨA QUEEN KHU VỰC PHÍA NAM
Cây dứa (khóm) tuy không phải là một loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao nhưng góp phần rất lớn trong cơ cấu nông nghiệp của một số địa phương (ĐBSCL diện tích cây dứa khoảng 40.000 ha), giúp nông dân xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và đặc biệt là giảm diện tích đất bỏ hoang, đất chua phèn, đất xấu nơi mà các loại cây trồng khác khó thích nghi. Một số địa phương có diện tích trồng dứa tập trung phải kể đến như: Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang… và một số tỉnh miền núi phía bắc.
Nhằm giúp bà con nông dân trồng dứa nắm được quy trình canh tác chúng tôi xin giới thiệu quy trình kỹ thuật canh tác cây dứa hiện đang được áp dụng tại các khu vực trồng dứa phía Nam.
- YÊU CẦU SINH THÁI
1. Nhiệt độ
Cây dứa sinh trưởng tốt ở phạm vi nhiệt độ 25 – 35oC. Trong giai đoạn phát triển, nếu thời tiết lạnh, ẩm và cường độ ánh sáng yếu kéo dài thì quả thường nhỏ, phẩm chất kém, ngược lại nhiệt độ lớn hơn 40 oC thì thân, lá, quả thường bị hiện tượng cháy nắng.
2. Ánh sáng
Cây thích ánh sáng tán xạ hơn là ánh sáng trực xạ. Vùng cao có nhiệt độ và cường độ ánh sáng giảm nên chu kỳ của cây kéo dài. Tuy nhiên ánh sáng trực xạ vào mùa hè dễ gây ra hiện tượng cháy nắng trên quả. Cây dứa có khuynh hướng ra hoa tự nhiên vào thời kỳ ngày ngắn.
3. Lượng mưa
Cây dứa yêu cầu lượng mưa trung bình khoảng 1500mm/năm và phân bố đều trong các tháng, mùa nắng kéo dài phải có biện pháp giữ ẩm cho vườn dứa.
Trên đất thấp: điều chỉnh sao cho mực nước trong mương thấp hơn tối thiểu là 40cm so với mặt đất trồng cây để rễ không bị úng.
Trên đất cao: phải bố trí hệ thống tưới nước bổ sung cho cây vào mùa nắng để đảm bảo tương đương với lượng mưa như trên và thoát thủy tốt vào mùa mưa.
4. Đất trồng
Đất trồng dứa phải có tầng canh tác dày trên 0,4 m, đất phải tơi xốp, thoáng, thoát nước tốt. Yêu cầu pH nước trong đất đối với nhóm dứa Queen là 4-5.
II. THIẾT KẾ VƯỜN
1. Thiết kế vườn dứa
Đất trồng dứa nằm trong vùng đất phèn thường dễ bị ngập nước vào mùa lũ, nên cần chú ý các vườn dứa phải có đê bao chống lũ, trồng trên liếp và thiết kế hệ thống mương liếp cho phù hợp để có thể dẫn nước tưới vào mùa khô và thoát nước vào mùa mưa. Mặt liếp trồng phải cao mực nước cao nhất hàng năm trong mương là 40 cm.
2. Đắp đê bao:
- Đối với những vùng đất thường bị ảnh hưởng lũ cần có hệ thống đê bao có độ cao hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm với chức năng vừa là đê chắn lũ vừa là đường giao thông kết hợp với thiết kế hệ thống xả lũ hoặc dẫn nước vào đồng. Các hệ thống mương được sử dụng làm trục giao thông thủy lợi đi lại, vận chuyển vật tư, sản phẩm thu hoạch và tưới nước.
3. Mật độ và khoảng cách trồng:
Tùy theo điều kiện cụ thể (kích thước liếp trồng), bố trí mật độ trồng 45.000 - 55.000 chồi/ ha. Bố trí cây theo hàng kép có chừa lối đi sẽ giúp dễ dàng chăm sóc, thu hoạch và nâng cao năng suất.
Cách trồng: Trồng theo hàng đã căng dây sẵn, nên trồng ở độ sâu thích hợp (khoảng 5 cm), giữ chồi thẳng đứng, nén đất xung quanh cho chặt gốc. Không nên trồng sâu quá dễ gây thối noãn chồi. Sau khi trồng cần kiểm tra và trồng dặm những chỗ cây bị chết để đảm bảo mật độ trồng và năng suất vườn dứa về sau.
III. CHỌN CHỒI VÀ XỬ LÝ CHỒI GIỐNG:
- Chọn cây giống dứa tốt:
Cây giống dứa trước khi đem trồng cần đạt các tiêu chuẩn sau đây:
- Khối lượng trung bình từ 150 – 200g, sự chênh lệch về khối lượng giữa các cây không quá 50g, chiều cao cây từ 25 – 30cm và số lá đạt từ 12 - 15 lá.
- Cây khoẻ, không nhiễm các bệnh như: héo khô đầu lá, thối nõn và không nhiễm côn trùng như rệp sáp...
- Các loại chồi được dùng làm vật liệu trồng dứa như sau:
+ Chồi cuống: Kích thước nhỏ nên phải qua một thời gian chăm sóc ở vườn ươn để chồi đạt một kích thước nhất định mới đem trồng ra vườn sản xuất.
+ Chồi thân (hay còn gọi là chồi nách): Loại chồi này phát sinh ra từ nách lá. Đây là loại vật liệu trồng chủ yếu, ít bị hư hại trong vận chuyển. Chồi này có ưu điểm khỏe, thời gian từ khi trồng đến khi xử lý ra hoa sẽ sớm hơn các loại chồi khác.
Trước khi trồng phải tiến hành phân loại chồi. Các loại chồi khác nhau cần được trồng riêng ở các khu vực khác nhau. Trong cùng một loại chồi phải tiếp tục phân loại chồi to nhỏ khác nhau và phải được trồng ở các lô khác nhau. Sự phân loại này có ý nghĩa quan trọng không những để tiện việc chăm sóc mà còn tạo ra các lô trồng đồng đều, giúp dễ dàng chăm sóc và xử lý ra hoa trái vụ.
2. Xử lý chồi giống:
Chồi dứa sau khi đã chọn lọc, phân loại, tiến hành bóc bẹ lá ở phần gốc để lộ ra 3 – 4 vòng mắt, bó lại thành từng bó (15 – 20 chồi một bó), sau đó xử lý bằng thuốc hoá học để trừ nấm bệnh ở gốc thân và trừ rệp sáp truyền bệnh héo rũ . Pha sẵn thuốc trong một chậu to, nhúng ngập phần gốc (cả bó) vào dung dịch thuốc trong 1 – 3 phút, sau đó lấy ra và đặt sấp cả bó để phần ngọn hướng xuống đất.
Trong trường hợp chồi xử lý chưa trồng ngay, cần phải xếp dựng các bó chồi cho phần ngọn hướng lên vào thời điểm 1 ngày sau khi đã hoàn thành các bước lxử lý. Đặt các bó chồi thành từng đám dưới bóng cây to hoặc làm mái che tránh nắng. Nếu để lâu hơn 1 tuần thì nên tưới nước giữ ẩm để bộ rễ khỏi bị khô héo.
IV. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC:
- Thời vụ trồng
Giống dứa Queen cũng giống như giống địa phương, có thể trồng được quanh năm, cần đủ nước tưới để đảm bảo giữ độ ẩm trong thời kỳ cây chưa ra quả. Tuy nhiên thời vụ trồng tốt nhất là vào đầu mùa mưa (tháng 4-5 dl) và cuối mùa mưa (tháng 10-11 dl).
2. Chuẩn bị đất:
Được thực hiện vào mùa nắng, đất trồng cho cày xới sâu 30 cm, nhặt kỹ gốc cỏ, phơi đất từ 30 – 40 ngày.
Trước khi trồng tiến hành bón lót lân (250 -300 kg/ha) + vôi (500 kg/ha) + hữu cơ (10-12 tấn/ha) + thuốc trừ kiến, rệp sáp (Regent 5-10 kg/ha).
Nên duy trì chu kỳ kinh tế 2-3 vụ (một vụ tơ, một đến hai vụ gốc), sau đó phá bỏ và trồng mới.
Luống trồng cao từ 20 – 30cm, rộng 90 – 100cm, khoảng cách giữa hai luống từ 40 – 50cm. Tưới đẫm và phun thuốc diệt cỏ tiền nẩy mầm từ 2 – 3 tuần trước khi trồng dứa.
3. Tỉa chồi, cắt lá và định vị chồi
3.1 Tỉa chồi:
Chồi cuống hình thành tồn tại cùng với quả có thể dùng tay tách nhẹ theo chiều từ trên xuống và được thực hiện vào giai đoạn quả dứa đã lớn có từ 1 – 2 mắt quả gần cuống bắt đầu nở (khoảng 65 - 70 ngày sau khi hoa nở).
3.2 Cắt lá và định vị chồi:
Sau khi thu hoạch vụ tơ, kết hợp cắt tỉa các lá già ở phía gốc chỉ để lại 1 chồi bên (gọi là chồi nách, hay chồi thân) gần mặt đất và hướng chồi mọc vào bên trong hàng kép.
4. Tưới nước và quản lý ẩm độ cho cây
Các vùng trồng dứa ở các tỉnh phía Nam, tình trạng thiếu nước thường xảy ra vào thời điểm mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 5 dl hàng năm, cần có nước tưới cho cây định kỳ 3 – 4 lần/tháng. Áp dụng phương pháp tưới phun hoặc tưới thấm sao cho nước thấm sâu, không gây rửa trôi đất mặt.
Quản lý ẩm độ bằng cách tủ gốc cho cây dứa, có thể sử dụng màng phủ nông nghiệp hay nguồn vật liệu tại chổ như: rơm rạ, cỏ khô, năng…. kết hợp với xới đất và vun gốc.
Dứa tuy là cây chịu phèn, nhưng nếu dùng nước có độ pH £ 3 để tưới thường xuyên sẽ hại cho bộ rễ, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và phẩm chất quả.
5. Bón phân
- Nguyên tắc bón phân cho dứa
+ Khi bón lót cần chú ý phân được rãi đều trên mặt đất.
+ Lượng phân bón còn lại chia làm nhiều lần bón.
+ Bón vào nách các lá già từng cây.
+ Bón hết lượng đạm và lân trễ nhất là 1-2 tháng trước khi xử lý ra hoa.
Bón lót: bón vào thời điểm 3-4 ngày trước khi trồng, trên đất thấp nhiễm phèn nặng cần tăng cường lượng vôi.
Bón cơ bản: Bón vào thời điểm từ 1 tuần đến 4 tháng sau khi trồng (SKT), bón 3-4 lần mỗi lần cách nhau 20 ngày.
Bón thúc chồi: Tưới ướt cây trước khi bón, bón theo từng cây, tập trung vào các lá già gần gốc
Không nên bón đạm khi cây mang quả.
Hạn chế sử dụng phân bón có chứa gốc Clo (Kali clorua) sẽ làm giảm chất lượng trái và gây chua đất. Sử dụng phân Kali Sulphate (K2SO4) trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây.
- Liều phân bón: Thay đổi tùy theo độ phì và đặc tính của đất. Tuy nhiên, đối với một số loại đất thuộc vùng phèn canh tác khóm ở phía Nam, có thể áp dụng lượng phân bón ở mức độ cơ bản như sau:
+ Lượng phân bón lót: 500kg vôi/ha, 10 – 12 tấn phân hữu cơ/ha
+ Lượng phân bón cơ bản và bón thúc cho cây ở mỗi vụ trồng: phân đạm (N) 8g/cây, lân (P2O5) 4g/cây, kali (K2O) 12g/cây tương ứng với 6g Urea + 10g Super lân + 20g Sulphate kali/ cây/vụ.
- Phương pháp bón
+ Bón lót: toàn bộ lượng phân hữu cơ và vôi + 1/2 lân ngay sau khi phơi ải.
+ Bón thúc chồi (1,5 tháng sau khi trồng): 1/5 đạm + 1/6 kali.
+ Bón thúc lần 1 (4 tháng SKT) 2/5 đạm + 1/4 lượng lân + 1/6 kali.
+ Bón thúc lần 2: (7 tháng SKT): 1/5 đạm +1/4 lượng lân còn lại + 2/6kali.
+ Bón thúc lần 3: ( 10 tháng sau khi trồng): 1/5 đạm + 2/6 kali.
Có thể phun bổ sung qua lá 50g (11-0-0 -16 MgO) + 50g NaCaB5O9 +10g Ca(NO3)2 trong bình 8 lít, tháng/lần. Ngưng phun cho cây trước khi hoa nở.
* Liều lượng phân bón quy ra lượng phân thương phẩm bón cho cây dứa:
- Phân hữu cơ: 10-15 tấn/ha; vôi: 500kg/ha; Phân lân nung chảy: 550 kg/ha/vụ; Ure: 910 kg/ha/vụ; DAP: 200 - 250 kg/ha/vụ; K2SO4: 1.100 kg/ha/vụ.
Thời điểm bón |
Ure (kg/ha/lần bón) |
DAP (kg/ha/lần bón) |
K2SO4 (kg/ha/lần bón) |
1. Bón lót toàn bộ phân chuồng, lân, vôi |
|||
2. Bón thúc chồi (1,5 tháng sau khi trồng) |
190 |
- |
180 |
3. Bón thúc lần 1 (4 tháng SKT) |
360 |
100 |
180 |
3. Bón thúc lần 2: (7 tháng SKT) |
170 |
100 |
370 |
4. Bón thúc lần 3: ( 10 tháng sau khi trồng) |
190 |
- |
370 |
- Bổ sung phân bón lá trung vi lượng (Mg, Ca, Bo, Zn….) 1 tháng phun một lần. Xịt lúc sáng sớm hoặc chiều mát, ngừng phun cho cây trước khi hoa nở.
- Có thể phun bổ sung 50- 70gr K2SO4 /bình 16l nước phun vào giai đoạn trước thu hoạch trái 1 tháng giúp nặng trái và tăng độ ngọt.
6. Xử lý dứa ra hoa trái vụ: Xác định thời điểm xử lý bằng 3 cách:
- Tính tuổi cây từ khi trồng đến khi xử lý: 11-12 tháng
- Đếm số lá vào thời điểm xử lý: 28- 32 lá đang hoạt động.
- Đo chiều cao của cây dứa đạt từ: 0,7 -1 m
6.1 Hoá chất và cách xử lý:
- Có thể sử dụng đất đèn (CaC2) hoà vào nước nồng độ 1,0 - 1,5% phun trực tiếp vào nõn (khoảng 40 - 50ml dung dịch cho 1 cây) hoặc đập nhỏ thành viên (khoảng 1,0 - 1,5gr/viên) bỏ trực tiếp vào nõn dứa sau khi đã tưới nước. Xử lý vào ban đêm cho tỷ lệ ra hoa đạt cao nhất.
- Đối với ethrel (còn gọi là ethephon) chỉ sử dụng dạng dung dịch, pha ở nồng độ 0,5% trộn thêm 1,5% urê phun đều cho toàn cây, lượng phun khoảng 2.000 lít/ha. Xử lý khi trời râm mát hoặc xử lý vào ban đêm.
Lưu ý:
- Tùy theo tính chất đất, giống, mùa vụ, thời tiết, lượng phân bón có thể điều chỉnh tăng giảm cho phù hợp.
- Bón phân khi đất đầy đủ độ ẩm, giúp phát huy hiệu lực phân bón.
- Ngưng bón đạm khi cây mang quả.
Trên đây là quy trình kỹ thuật canh tác cây dứa (khóm) áp dụng cho các khu vực trồng dứa các tỉnh Phía Nam cho năng suất trái đạt từ 45-50 tấn trái/ha.
Kính chúc quý bà con nông dân áp dụng thành công trong thực tế sản xuất./.
(NHT)- PHÒNG KỸ THUẬT – CÔNG TY CỔ PHẦN SOP PHÚ MỸ
(Quy trình có tham khảo tài liệu của Viện Cây ăn quả Miền Nam)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Việt Nam cung cấp sầu riêng lớn thứ 2 cho Trung Quốc
- Nhức nhối vấn nạn phân bón giả hoành hành ở các tỉnh miền Tây
- Chuyên gia thế giới đánh giá thế nào về thị trường phân bón Việt Nam?
- MEKONGAGRI CHÚC MỪNG LÔ SẦU RIÊNG ĐẦU TIÊN XUẤT SANG TRUNG QUỐC
- Lộ diện thêm nhiều doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật gian dối
- Hiểu và sử dụng như thế nào cho đúng đối với các chất trung, vi lượng để đạt hiệu quả cao nhất cho cây trồng?
- Nguy cơ giá phân bón trong nước tiếp tục lập đỉnh mới
- QUY TRÌNH CANH TÁC CÂY DƯA HẤU
- KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY KHOAI LANG NHẬT
- Đứt gãy nghiêm trọng nguồn cung potash từ Canada, giá phân bón thế giới tiếp tục tăng vọt
- Nga giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu, dự kiến giá phân bón thế giới tăng sốc
- Nga giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu, dự kiến giá phân bón thế giới tăng sốc