Giải pháp kịp thời
Khác với trước, tình hình canh tác của bà con nông dân ở “vựa lúa” Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vài năm trở lại đây trở nên khó khăn do thị trường lúa gạo bấp bênh, giá cả không ổn định, sâu bệnh dịch hại trên đồng gia tăng và khó phòng trị, chi phí đầu tư ngày càng cao và đặc biệt là thời tiết diễn biến bất lợi cho canh tác nông nghiệp.
Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu khiến nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL đối mặt với những thử thách lớn. Đợt hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016 đã gây thiệt hại trên 200.000 ha diện tích cây trồng, trong đó cây lúa chịu tác động nặng nề nhất. Tình trạng thiếu nước và khô hạn đã gây giảm năng suất, tăng chi phí đầu tư và thậm chí lúa chết “trắng” và bà con không có thu nhập, đời sống trở nên chật vật.
Ông Lê Quốc Phong trao giấy khen cho những nông dân tham gia mô hình canh tác lúa thông minh 2 năm qua. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
May mắn là giữa lúc khó khăn, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh ĐBSCL thực hiện “Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu", bắt đầu từ vụ Hè Thu 2016 với tổng diện tích 32,5 ha và 65 hộ nông dân đã tích cực tham gia.
“Với phương châm luôn là “Bạn đồng hành của nhà nông”, Bình Điền luôn nỗ lực giúp tìm ra những giải pháp cải tiến canh tác mới, cùng với các cơ quan có trách nhiệm tổ chức những chương trình hướng đến nhà nông để từng bước chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng tầm kiến thức cho nông dân vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu, góp phần vào phát triển nền nông nghiệp của đất nước. Chương trình canh tác lúa thông minh đã thực hiện được qua 3 vụ và kết quả đạt được rất đáng khích lệ, góp phần giảm chi phí đầu tư nhưng năng suất lại tăng cao và góp phần cải thiện thu nhập cho bà con nông dân”- Ông Lê Quốc Phong (Tổng Giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền).
Chương trình còn nhận được sự đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm từ kiến thức khoa học đến thực tiễn ngoài ruộng đồng của 10 nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chưa kể, công ty Bình Điền cung cấp miễn phí cho nông dân thực hiện mô hình lúa giống và toàn bộ lượng phân bón phù hợp với các điều kiện sản xuất bất lợi, trong đó đặc biệt là sản phẩm Đầu Trâu Mặn - Phèn (giúp nâng cao pH, tăng tính chống chịu của cây lúa với phèn, mặn và các điều kiện bất lợi khác) và bộ sản phẩm chuyên dùng lúa TE A1, TE A2 cung cấp dinh dưỡng cân đối và hợp lý với các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.
Những ý kiến đóng góp của người nông dân cho chương trình luôn rất chân tình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nhà nông Vũ Đình Toán ở Long An rất phấn khởi cho biết: “Đây là mô hình hay, giúp nông dân nhận thức được nhiều vấn đề quan trọng mà trước đây luôn xem thường. Chẳng hạn về lượng giống gieo sạ, thông thường, chúng tôi xuống giống khoảng 130 - 150kg/ha, nhưng trong mô hình các nhà khoa học khuyến cáo sạ 80kg/ha và kết quả là vừa tiết kiệm giống, cây lúa lại ít sâu bệnh, giảm được nhiều chi phí, chưa kể còn giúp bảo vệ môi trường vì phun thuốc BVTV rất ít…”.
Biến nhà nông thành chuyên gia
Hầu hết những nông dân tham gia chương trình đều mạnh dạn trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, biện pháp canh tác hiệu quả vào sản xuất. Ở các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang hay Kiên Giang, bà con nông dân đã sử dụng rất thành thục và đạt được nhiều kết quả tốt. Thậm chí tại Sóc Trăng, từ hiệu ứng của chương trình, tỉnh đã được dự án VNSAT cấp hỗ trợ thêm 100 máy phun hạt giống.
GS.TS Mai Văn Quyền nhấn mạnh: “Rõ ràng, trình độ canh tác của nông dân có sự chuyển biến tốt, nông dân vận dụng tốt kinh nghiệm sẵn có cùng với các kiến thức mới giúp cho canh tác có hiệu quả hơn. Quan trọng hơn là sự tự tin và thuyết phục hơn trong cách diễn đạt, trình bày các giải pháp, quy trình canh tác. Từ đó dần dần trở thành những “chuyên gia nhà nông” tại địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp cho mình và giúp ích cho cộng đồng xung quanh. Điều quan trọng tiếp theo là phải nhân rộng mô hình canh tác thông minh này ra khắp vùng ĐBSCL, chứ không gói gọn trong khuôn khổ hẹp nữa. Chúng tôi kỳ vọng những nhà nông thông minh đã tham gia chương trình và nhận thấy hiệu quả thực tế từ việc canh tác kiểu mới sẽ vận động, kêu gọi bà con nông dân khác cùng nhập cuộc, có như thế mới phát huy được hết giá trị và lợi ích của chương trình”.
Chung kết Hội thi Canh tác lúa thông minh tại Cần Thơ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Sau 2 năm thực hiện, chương trình đã thực hiện được 195 mô hình ở 13 tỉnh thành trong vùng với tổng diện tích thực hiện 97,5ha. Để đảm bảo tính lan tỏa, qua mỗi mùa vụ chương trình lại chọn lựa nông dân ở các địa phương khác thực hiện, tổng cộng mô hình đã thực hiện tại 48 xã/ thị trấn. Bình quân tại 13 tỉnh thành, năng suất mô hình vụ Hè Thu 2016 tăng 7,9% (500 kg/ha), ĐX 16-17 tăng 7,2% (500 kg/ha) và Hè Thu 2017 tăng 11,7% (700 kg/ha).
Qua 3 mùa đã thực hiện, năng suất các mô hình luôn cao hơn đối chứng với tỉ lệ khá cao. Chứng tỏ các giải pháp kỹ thuật là phù hợp với điều kiện canh tác và bản thân nông dân có thể áp dụng được. Lợi nhuận nhờ thế cũng tăng lên theo từng vụ, nếu như Hè Thu 2016 là khoảng 3,5 triệu/ha thì 2 vụ sau lợi nhuận đã tăng dần lên đến 5,9 triệu/ha vụ Hè Thu 2017.
Những nhà nông thể hiện phần thi của mình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Ngày 5-11, Hội thi canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL năm 2017 (được truyền hình trực tiếp trên kênh THCT43) có 13 đội tham gia (mỗi đội gồm 10 thành viên nông dân đã trực tiếp thực hiện mô hình trong vụ Hè Thu 2017 và Đông Xuân 2016-2017).
Hội thi là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu và tích lũy kiến thức cho bà con nông dân trong mô hình. Chung cuộc, đội Đồng Tháp đã giành giải nhất. Những cá nhân ưu tú sẽ được Công ty CP phân bón Bình Điền mời tham gia chuyến học tập các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Lan vào tháng 12 tới đây.