Nhức nhối vấn nạn phân bón giả hoành hành ở các tỉnh miền Tây
Thời gian qua, tình hình vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp vẫn còn xảy ra khá phổ biến, nhất là tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoặc sản xuất, kinh doanh phân bón chưa có quyết định công nhận phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam.
Hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón giả ngày càng tinh vi
Theo cơ quan chức năng, hoạt động buôn bán phân bón giả tại các tỉnh miền Tây ngày càng tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, liên tỉnh. Qua công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở, hộ kinh doanh, lực lượng chức năng liên tục phát hiện hàng giả là phân bón hoặc hàng kém chất lượng. Các doanh nghiệp thường chọn vùng sâu, vùng xa, tổ chức sản xuất vào các thời điểm khác nhau để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Trong khi đó, vì lợi nhuận, một số đại lý sẵn sàng tiếp tay cho hàng giả ra thị trường.
Cụ thể, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Trà Vinh mới đây đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Yên Trang (Công ty Yên Trang, có địa chỉ tại tỉnh Long An), với số tiền gần 70 triệu đồng về hành vi vi phạm trong lĩnh vực phân bón.
Theo đó, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng An ninh kinh tế và Công an huyện Cầu Kè phát hiện ôtô tải BKS 51C- 644.45 vận chuyển phân bón có dấu hiệu vi phạm. Phương tiện do Lê Quốc An (SN 1988, ngụ xã Bình Phú, huyện Càng Long) điều khiển vận chuyển 18 tấn phân bón các loại, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
An khai nhận số lượng phân bón trên là của Công ty Yên Trang vận chuyển về xã Phong Phú. Công ty có các hành vi vi phạm như: Buôn bán phân bón hết hạn sử dụng, không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; buôn bán hàng hóa (phân bón) có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.
Tương tự, mới đây Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đồng Tháp đã kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Phương Trà (huyện Cao Lãnh). Cửa hàng đang kinh doanh phân bón cũng do Công ty Yên Trang sản xuất. Trên nhãn hàng hóa có chữ viết và thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa. Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, sau đó xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng, buộc thu hồi hàng hoá (khoảng 4 tấn) và loại bỏ chữ viết, thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hoá.
Cán bộ QLTT tỉnh Kiên Giang kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón
Từ đầu năm tới nay, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang cũng đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc buôn bán phân bón giả sang cơ quan Công an tiến hành điều tra.
Điển hình, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH MTV C.H.G tại xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Qua kiểm tra, Công ty chưa xuất trình được Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, đồng thời Đoàn kiểm tra đã lấy 2 mẫu phân bón để thử nghiệm chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm tất cả các chỉ tiêu đăng ký đều không đạt chất lượng dưới 70% so với tiêu chuẩn công bố áp dụng, so với mức đăng ký trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam là hàng giả theo quy định.
Qua quá trình làm việc với Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV C.H.G và căn cứ kết quả thử nghiệm đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối đối với Công ty TNHH MTV C.H.G do đã có hành vi: Buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng. Đồng thời, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra để truy cứu hình sự theo quy định.
Tiếp đó, Lực lượng QLTT tỉnh Kiên Giang, kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh ở xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành) và lấy mẫu phân bón gửi phân tích. Kết quả thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu đăng ký đều không đạt chất lượng. Hành vi vi phạm của chủ cơ sở có dấu hiệu tội phạm buôn bán hàng giả nên vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra.
Cùng về hành vi trên, mới đây Cục QLTT tỉnh Tiền Giang kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Đoàn kiểm tra lấy 6 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng, phát hiện 3 mẫu không đạt. Đối với 2 mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng, lực lượng QLTT đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, còn mẫu phân bón giả có dấu hiệu tội phạm nên chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Cán bộ Cục QLTT TP Cần Thơ đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vậtkiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón
Mới đây, Cục QLTT TP Cần Thơ đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ). Qua kiểm tra địa điểm kinh doanh và kho hàng, đoàn kiểm tra phát hiện 10 sản phẩm phân bón có nhãn hàng hóa vi phạm quy định pháp luật. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu của 2 lô sản phẩm phân bón để kiểm tra chất lượng, kết quả đều không đạt chất lượng. Cục QLTT TP Cần Thơ ban hành quyết định xử phạt chủ cơ sở 5 hành vi vi phạm, với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong thời hạn 2 tháng.
Cử tri bức xúc vấn nạn phân bón giả
Tại tỉnh Long An, vấn nạn phân bón giả được nhiều cử tri trong tỉnh quan tâm và Đại biểu HĐND chất vấn tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X diễn ra vào cuối tháng 7/2022. Các đại biểu rất bức xúc và đề nghị cần xử lý nghiêm tình trạng này. Các đại biểu cho rằng phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường mà còn gây thiệt hại nặng nề đối với đời sống kinh tế của người nông dân. Người nông dân đang trong tình cảnh "một cổ hai tròng", vừa phải chịu tác động của việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả. Việc xử lý vi phạm hành chính với các công ty còn chưa phù hợp và chưa có tính răn đe đối với hành vi vi phạm này.
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhìn nhận thời gian qua việc quản lý, xử lý nạn phân bón giả chưa thật sự quyết liệt. Đồng thời khẳng định, UBND tỉnh Long An sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp các Sở, ngành địa phương, tăng cường tốt hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử lý triệt để tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn. Nếu phát hiện yếu tố cấu thành tội phạm sẽ chuyển hồ sơ qua cơ quan chức năng để xử lý hình sự đúng quy định.
"Quan điểm của UBND tỉnh là không để các cơ sở sản xuất hàng giả, không để các hộ kinh doanh hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện trong thời gian tới", ông Út khẳng định.
Vấn nạn phân bón giả làm "nóng" nghị trường ở Long An
Cục QLTT tỉnh Long An cho biết, trước tình hình trên, Cục QLTT chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường lấy mẫu phân bón gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng. Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng và truy xuất nguồn gốc đơn vị sản xuất để xử lý, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người nông dân.
Ngoài ra, năm 2022 mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do có nhiều biến động về giá, chất lượng và có hiện tượng trạng khan hiếm, do đó, Cục QLTT tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với 2 mặt hàng này.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Cục QLTT tỉnh Long An đã thực hiện kiểm tra đối với 145 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo ,vệ thực vật, lấy 55 mẫu phân bón kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm có 18/55 mẫu không đảm bảo chất lượng. Trong đó, có 7 mẫu phân bón là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, 11 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Ngoài vi phạm trên, lực lượng QLTT Long An còn phát hiện, xử lý 6 trường hợp vi phạm về nhãn, 2 trường hợp kinh doanh phân bón không có giấy phép lưu hành tại Việt Nam, 1 trường hợp vi phạm về niêm yết giá. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón 9 tháng năm 2022 là gần 2 tỷ đồng.
Ngoài xử lý vi phạm hành chính, Cục QLTT tỉnh Long An đã chuyển cơ quan Công an 2 trường hợp buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng có trị giá hàng hóa vi phạm trên 30 triệu đồng để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tiền Giang cũng là địa phương phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh phân bón giả
Cần thêm nhiều biện pháp, chế tài để dẹp nạn phân bón giả
Theo thống kê hàng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón và hơn 100.000 tấn thuốc BVTV các loại, trong đó thị trường tiêu thụ phân bón lớn nhất là khu vực miền Tây. Hiện trên thị trường có tới gần 21.000 sản phẩm phân bón; 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và khoảng 4.000 tên thương phẩm thuốc BVTV có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng. Đây là một thị trường rất béo bở với những đối tượng sản xuất kinh doanh phân bón giả.
Trong khi đó, do có quá nhiều nhãn mác, chủng loại, nên người nông dân rất khó để phân biệt hàng thật, hàng giả hay hàng kém chất lượng, thậm chí là cả tác dụng. Ngoài ra, khi sử dụng phân bón giả, phải sau vài tháng sử dụng dựa trên hiệu quả cho cây trồng, người nông dân mới có thể đánh giá hàng thật, hàng giả.
Việc này càng trở nên khó khăn với nông dân ở các vùng sâu vùng xa, vì khoảng cách địa lý, giá phân bón lúc nào cũng cao hơn các vùng khác. Tập quán sản xuất lâu nay là mua phân bón của đại lý, chịu thêm lãi suất, đến cuối vụ thu hoạch thì trả nợ. Chính vì phụ thuộc như vậy nên họ bán loại phân gì thì nông dân lấy phân đó. Khi giá phân tăng cao thì dĩ nhiên nông dân phải chọn loại nào rẻ tiền cho tiết kiệm. Mà đã rẻ thì khó tốt hoặc là hàng giả, kém chất lượng.
Giá phân bón hiện vẫn đang tiếp tục tăng, cộng thêm vấn nạn phân bón giả khiến cuộc sống của nông dân càng thêm khó khăn. Do đó cần thêm nhiều biện pháp, chế tài đối với những kẻ sản xuất, buôn bán phân bón giả để người nông dân bớt khổ, mùa màng tươi tốt, đất đai phì nhiêu.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/nhuc-nhoi-van-nan-phan-bon-gia-hoanh-hanh-o-cac-tinh-mien-tay-90885.html
NCC-PTT
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Việt Nam cung cấp sầu riêng lớn thứ 2 cho Trung Quốc
- Chuyên gia thế giới đánh giá thế nào về thị trường phân bón Việt Nam?
- MEKONGAGRI CHÚC MỪNG LÔ SẦU RIÊNG ĐẦU TIÊN XUẤT SANG TRUNG QUỐC
- Lộ diện thêm nhiều doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật gian dối
- Hiểu và sử dụng như thế nào cho đúng đối với các chất trung, vi lượng để đạt hiệu quả cao nhất cho cây trồng?
- Nguy cơ giá phân bón trong nước tiếp tục lập đỉnh mới
- QUY TRÌNH CANH TÁC CÂY DƯA HẤU
- KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY KHOAI LANG NHẬT
- Đứt gãy nghiêm trọng nguồn cung potash từ Canada, giá phân bón thế giới tiếp tục tăng vọt
- Nga giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu, dự kiến giá phân bón thế giới tăng sốc
- Nga giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu, dự kiến giá phân bón thế giới tăng sốc
- Tin tức: Bát nháo thị trường phân bón