Hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa lưới (Cucumis Melon L.) Trong nhà màng (tiếp theo)
Phần II: CHĂM SÓC VÀ PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
1. Cố định cây, tỉa chồi, bấm ngọn, lấy trái:
- Treo cây: Cây được treo cố định sau khi trồng 7 – 10 ngày (cây cao khoảng 50 cm), sử dụng dây để buộc sát gốc dưa lưới, hàng ngày quấn ngọn dưa lưới theo dây buộc.
- Tỉa chồi: Cây được tỉa bỏ các cành cấp 1 từ nách lá thứ nhất đến nách lá thứ 9, để lại các cành cấp 1 mang trái từ lá thứ 10 trở lên để thụ phấn, cành mang trái để lại 2 lá thật đầu tiên sau đó bấm bỏ ngọn, các cành còn lại không mang trái cắt bỏ.
Thụ phấn: Thụ phấn bằng ong hoặc thủ công bằng tay.
- Thụ phấn bằng ong: Sử dụng ong mật để thụ phấn, lượng ong thả vào vườn 1.000 m2 là 2 tổ, mỗi tổ 4 cầu, bắt đầu thả ong khi cây xuất hiện hoa cái đầu tiên (khoảng 15 – 20 ngày sau trồng); Thả vào lúc mát mẻ.
- Thụ phấn thủ công bằng tay: Do con người thực hiện, khi cây xuất hiện hoa cái thì tiến hành thụ phấn, sử dụng phấn hoa đực để chụp lên đầu nhụy hoa cái, nên thụ phấn trước 9 giờ sáng, tiến hành thụ phấn liên lục trong vòng khoảng 7 ngày, khi hầu hết (100%) cây đều đậu quả thì ngưng thụ phấn.
- Tỉa quả: Sau khi cây đậu quả, quả có đường kính trên 2 - 4 cm thì tiến hành tỉa quả, chỉ để lại 1 đến 2 quả trên cây, còn các quả còn lại tỉa bỏ hết nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Vị trí để quả là từ nách lá thứ 10 đến nách lá thứ 15.
- Bấm đọt thân chính: Sau khi cây được 25 lá (40 NST) thì tiến hành bấm ngọn thân chính để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
2. Phòng trừ sâu bệnh:
Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) để phòng trừ sâu bệnh hại trên dưa lưới. Dưa lưới trồng trong nhà màng chủ yếu bị một số đối tượng côn trùng gây hại nghiêm trọng như bọ trĩ, bọ phấn, rầy mềm, bệnh khảm lá, bệnh phấn trắng, nứt dây, lở cổ rễ. Phòng trị theo hướng sinh học (thuốc sinh học), vật lý (bẫy dính màu vàng). Nên sử dụng các loại thuốc phòng trừ có tính tiếp xúc, mau phân hủy và có thời gian cách ly ngắn đồng thời tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.
2.1 Bọ trĩ: đây là đối tượng gây hại mạnh trên cây dưa lưới, chúng có tính kháng thuốc cao, nhanh quen thuốc, vòng đời ngắn 15-18 ngày, phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm của nhà màng rất thích hợp. Gây hại mạnh giai đoạn cây con đến ra hoa đậu quả.
Sử dụng các loại thuốc có tính tiếp xúc mạnh như hoạt chất Thiamethoxam như: Confidor 100SL, Radian 60SL…kết hợp với thuốc sinh học như Abamectin, Azadirachtin, Matrine, Pyrethrins, Cypermethrin…
Lưu ý: Sử dụng luân phiên các loại thuốc để tránh kháng thuốc, nên xịt vào sáng sớm hoặc chiều mát vì khi nắng lên chúng trốn xuống mặt dưới lá và dưới gốc cây khi xịt thuốc nên xịt toàn bộ bầu giá thể. Đối với một số vườn canh tác thường xuyên, mật độ bọ trĩ cao, nhiều lứa gối đầu liên tiếp nhau thì có thể áp dụng thêm biện pháp xông thuốc bằng máy trong khu vực nhà màng.
2.2 Bệnh hại:
- Bệnh phấn trắng: Do nấm Erysiphe cichoracearum De Candolle gây hại. Bệnh này rất phổ biến trên các cây trồng họ bầu bí, dưa…gây hại hầu hết trên các giai đoạn của cây nhất là trong thời điểm nhiệt độ cao, ẩm độ cao và có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm.
Bộ phận bị hại: Nấm gây hại tất cả các bộ phận của cây dưa lưới. Triệu chứng: Bệnh xuất hiện phá hại ngay từ thời kỳ cây con. Ban đầu trên lá xuất hiện những đốm nhỏ mất màu xanh hóa vàng, dần dần được bao phủ bởi một lớp nấm trắng dày đặc như bột phấn, bao trùm cả phiến lá (không bị giới hạn bởi gân lá). Lá bệnh chuyển dần từ màu xanh sang vàng lá khô cháy và dễ rụng. Bệnh nặng lớp phấn trắng xuất hiện trên cả thân, cành, hoa làm hoa khô và chết. Cây bị bệnh sinh trưởng yếu, phẩm chất kém, năng suất thấp.
+ Biện pháp phòng trừ:
– Vệ sinh xử lý nhà màng trước khi trồng, thu gom các bộ phận đem tiêu hủy
– Trồng mật độ vừa phải để đảm bảo ánh sáng và độ thông thoáng bên trong nhà màng khi cây giao tán.
– Chế độ dinh dưỡng cân đối (tránh bón dư Đạm).
– Sử dụng luân phiên các loại thuốc: Topsin M50SC, 70 WP (Thiophanate Methyl), Score 250EC (Difenoconazole), Aliette 80WP, 800WG (Fosetyl – aluminium), Amistar Top 325SC (Azoxystrobin + Difenoconazole).
- Bệnh giả sương mai (Pseudoperonospora cubensis)
Bộ phận bị hại: Phá hại tất cả các bộ phận của cây dưa lưới nhưng chủ yếu trên lá.
Triệu chứng:Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ, không màu hoặc màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu xanh vàng đến nâu nhạt, hình tròn đa giác hoặc hình bất định. Vết bệnh nằm rải rác trên lá hoặc nằm dọc các gân lá thường có góc cạnh và bị giới hạn bởi các gân lá. Quan sát mặt dưới lá, chỗ vết bệnh thường thấy một lớp nấm mọc thưa, màu trắng xám (nên dễ nhầm lẫn với bệnh phấn trắng), bệnh nặng gây rách các mô tế bào, thậm chí làm lá biến dạng, cây phát triển yếu, toàn lá héo khô và chết. Khác với bệnh phấn trắng, bệnh giả sương mai thường phát triển và gây hại mạnh ở mặt dưới của lá. Khi nhìn phía trên xuống chỉ thấy những đốm vàng loang lổ.
Bệnh nặng và lây lan nhanh khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi (mưa phùn, nhiệt độ tương đối thấp).
+ Biện pháp phòng trừ:
– Vệ sinh xử lý nhà màng trước khi trồng.
– Trồng mật độ vừa phải để đảm bảo ánh sáng và độ thông thoáng.
– Chế độ dinh dưỡng cân đối.
– Ngắt bỏ bớt các lá già và lá bị bệnh, dùng màng phủ đất, tránh để lá gốc tiếp xúc đất.
– Sử dụng luân phiên các loại thuốc: Mataxyl 500WP (Metalaxyl), Aliette 800WG (Fosetyl Aluminium), Vicarben 50HP (Carbendazim), Vialphos 80 BHN (Fosetyl Aluminium).
- Bệnh nứt thân, chảy nhựa (do nấm Mycosphaerella melonis)
Trên thân vết bệnh lúc đầu là đốm hình bầu dục, màu xám trắng, kích thước 1-2cm, vết bệnh hơi lõm, làm khuyết một bên thân hay nhánh. Trên vùng bệnh, nhựa màu nâu đỏ ứa ra thành giọt, sau đổi thành màu nâu sẫm và khô cứng lại. Bệnh nặng làm thân cây bị nứt thành vệt dài và chảy nhựa nhiều hơn, trên đó có những hạt nhỏ màu đen (các ổ bào tử nấm), cả cây có thể bị khô chết.
- Trên lá, đốm bệnh không đều đặn và lan rộng dần, có màu nâu xám nhạt. Bệnh thường xuất hiện từ bìa lá lan vào theo những mảng hình vòng cung, trên đó có các ổ bào tử màu đen, lá bị cháy, khô rụng.
- Trên cuống quả, triệu chứng bệnh giống như trên thân, có thể nứt và chảy nhựa, quả nhỏ hoặc bị rụng sớm.
+ Biện pháp phòng trừ:
- Thu dọn tàn dư cây trồng.
- Bón phân đạm vừa đủ. Hạn chế tưới nước quá nhiều vào buổi chiều
- Phun ướt đẫm cây dưa và gốc: Kasumil (Kasuganmycin), Ridomil (Macozeb + metalaxyl), Carbenda 50SC (Carbendazim); Dithane M45 80WP …..
3. Bệnh lở cổ rễ: do nấm Rhizoctonia solani gây ra là chủ yếu. Tuy nhiên, tùy điều kiện thời tiết, chế độ canh tác có thể do nhiều loại nấm có trong đất gây ra như Pythium spp., Fusarium sp. v.v.
Bệnh chủ yếu gây hại ở phần cổ rễ, phần gốc sát mặt đất. Khi mới xuất hiện, nếu quan sát kỹ có thể thấy những vết bệnh có màu khác với vỏ cây, phần vỏ này bị rộp lên, sau đó lan dần bao quanh toàn bộ phần cổ rễ hoặc gốc cây. Dần dần phần vỏ này khô teo lại, khi gặp trời mưa hoặc độ ẩm cao sẽ bị thối nhũn, bong ra, trơ lại phần lõi gỗ của cây có màu thâm đen, cây sẽ héo dần và chết. Vào những ngày có nhiều sương mù hoặc lúc sáng sớm, ta có thể thấy lớp tơ màu trắng bám nơi vết bệnh.
+ Biện pháp phòng trừ
- Thường xuyên vệ sinh vườn trồng, trồng đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm ẩm độ, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển.
- Nhổ bỏ và đem tiêu hủy hết các cây bị bệnh để tránh lây lan ngay khi mới phát hiện.
- Xử lý giá thể trồng, đất trồng bằng các chế phẩm nấm đối kháng sẽ hạn chế rất nhiều các bệnh về nấm rễ như: Trichoderma, Mhichoriza…
- Phun ngừa hoặc phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Dithane M45 (Mancozeb), Anvil 5 SC (Hexaconazole), Rovral 50 WP (Iprodione),… phun kỹ thân cây gần mặt đất và phần đất xung quanh gốc cây vào buổi sáng và chiều mát.
4. Thu hoạch, đóng gói, bảo quản:
Khi thấy lưới tạo đều và phần cuống quả đã xuất hiện lưới kết hợp chuyển màu hơi vàng là thời điểm thu hoạch thích hợp (khoảng từ 35 – 40 ngày sau thụ phấn tuỳ theo giống) hay độ ngọt (độ Brix) đạt 12% trở lên là thời điểm có thể thu quả. Thời điểm thu hoạch dưa tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sau khi thu hoạch, phân loại, đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ sớm nhất.
(NHT)- CÔNG TY CỔ PHẦN SOP PHÚ MỸ.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Việt Nam cung cấp sầu riêng lớn thứ 2 cho Trung Quốc
- Nhức nhối vấn nạn phân bón giả hoành hành ở các tỉnh miền Tây
- Chuyên gia thế giới đánh giá thế nào về thị trường phân bón Việt Nam?
- MEKONGAGRI CHÚC MỪNG LÔ SẦU RIÊNG ĐẦU TIÊN XUẤT SANG TRUNG QUỐC
- Lộ diện thêm nhiều doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật gian dối
- Hiểu và sử dụng như thế nào cho đúng đối với các chất trung, vi lượng để đạt hiệu quả cao nhất cho cây trồng?
- Nguy cơ giá phân bón trong nước tiếp tục lập đỉnh mới
- QUY TRÌNH CANH TÁC CÂY DƯA HẤU
- KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY KHOAI LANG NHẬT
- Đứt gãy nghiêm trọng nguồn cung potash từ Canada, giá phân bón thế giới tiếp tục tăng vọt
- Nga giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu, dự kiến giá phân bón thế giới tăng sốc
- Nga giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu, dự kiến giá phân bón thế giới tăng sốc