TIN TỨC: Một số giải pháp góp phần bình ổn giá phân bón
Hiện nay, nước ta có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp, tương đương với dưới 80 % tổng diện tích Việt Nam, sử dụng hơn 47% lực lượng lao động của quốc gia. Thực tế, tỷ lệ người đang sinh sống ở nông thôn và miền núi chiếm tới gần 70% dân số của Việt Nam. Trong sản xuất nông nghiệp thì phân bón là một trong những vật tư quan trọng, góp phần đáng kể làm tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản. Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực - Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), phân bón đóng góp khoảng 40% vào việc tăng năng suất và vai trò quan trọng vầo chất lượng của nông sản. Thời gian gần đây, giá phân bón tăng đã ảnh hưởng lớn đến bà con nông dân, đến sản xuất nông nghiệp. Làm thế nào để đảm bảo 2 yêu cầu: cung cấp đầy đủ, đúng thời gian, đúng chủng loại và giá cả chấp nhận được cho bà con nông dân?
1. Giá phân bón tăng cao, bà con nông dân gặp khó khăn
Các tin tức từ các phương tiện truyền thông và các báo cáo của địa phương cho biết từ đầu năm đến nay, giá phân bón duy trì đà tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến nông dân gặp không ít khó khăn. Dưới đây xin trích một số thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến mua và sử dụng phân bón tại một số địa phương:
Tại Quảng Bình: Vườn cây ăn quả của anh Dương Quốc Toàn ở xã Hòa Trạch (Bố Trạch) trồng quýt đường canh, cam V6, bưởi da xanh trên diện tích hơn 2 ha. Anh Toàn đã vay vốn, đầu tư hơn 400 triệu đồng dự kiến phải tiêu thụ hơn 5 tấn phân bón các loại. Anh cho biết “Giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất và có thể cao hơn tùy theo thay đổi của thị trường. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cam, bưởi rớt giá trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng khiến người trồng cây ăn quả như chúng tôi chỉ có lỗ chứ không có lãi”. Ông Nguyễn Văn Trung, chủ đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh cho hay “Giá phân bón tăng không chỉ khiến nông dân gặp khó khăn mà những đại lý cũng gặp khó vì sức mua giảm nhiều hơn trước và cũng cần nhiều vốn để dự trữ mới giữ được khách hàng”.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long: Vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL được mùa được giá, nhưng vụ hè thu giá phân bón tăng liên tục đến nay chưa hạ nhiệt, tiền lời từ vụ đông xuân nông dân phải dành dụm để “gánh” cho vụ hè thu. Ông Lương Văn Hận ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, bộc bạch: Giá phân bón tăng cả trăm ngàn đồng một bao so với năm rồi. Nói thiệt làm nông nghiệp ngán nhất là gặp tình trạng giá phân tăng cao và kéo dài như năm nay. Tại Vĩnh Long, ông Dương Văn Thành, ấp Tân Tiến, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, cho biết: “Vụ hè thu này chi phí cái gì cũng tăng. Tính trên mỗi công, chi phí phân bón tăng gần 200.000 đồng, …. Vụ này, thời tiết thất thường nên thấp thỏm quá, nếu giá lúa dưới 100.000 đồng/giạ chắc không có lời”. Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Vĩnh Long, giá thành sản xuất lúa đông xuân 2020-2021 là 3.551,9 đồng/kg. Ước tính mức chi phí đầu tư vật chất vào sản xuất chiếm tỷ lệ rất cao 66,4%, trong đó, chi phí phân bón 23,5% và thuốc BVTV 16,1 % chiếm tỷ lệ cao nhất so với các khoản đầu tư vật chất khác.
Tại Tây Nguyên: Ông Lê Văn Cho ở Hòa Phong, Đắc Lắc có 1,5 ha cà phê, thông thường qua mỗi mùa thu hoạch, gia đình ông phải đầu tư 3 tấn phân bón các loại để chăm sóc cho niên vụ sau. Tuy nhiên, giá phân bón các loại đã đều tăng, mỗi ha phải chi phí thêm 3.200.000 đồng. Tương tự, ông Lý Trường Phú ở thôn 7 (Hòa Lễ) có 2,5 ha ruộng nước, để đạt được năng suất lúa 12 tấn/ha, từ khi bón lót cho đến nuôi đòng gia đình ông đầu tư 3 tấn phân các loại, với giá phân hiện tại thì tổng số tiền mua phân là gần 34 triệu đồng (tương đương 4,5 tấn lúa).
2. Các nguyên nhân làm tăng giá phân bón
Giá phân bón phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm từ giá nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển, giá nông sản, đến các yếu tố thời tiết, dịch bệnh,…
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón thị trường trong nước và thế giới liên tục tăng cao. Tại thị trường trong nước, giá phân bón sản xuất trong nước tăng từ khoảng 8% đến 55% tùy loại. Cụ thể, phân urê tăng 55%; phân DAP tăng 35 đến 50%; phân supe lân tăng hơn 8%; phân NPK tăng 15% đến 20%.
Giá phân bón tăng phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào như khí ammoniac, than, lưu huỳnh, axit sunphuric, quặng apatit, chi phí vận chuyển,… tăng. Trong sáu tháng qua, các nguyên liệu này đồng loạt tăng từ 105% đến 133%. Ðơn cử, giá lưu huỳnh tăng gần 150%; giá axit sunphuric tăng 130 - 140%; giá ammoniac tăng gần gấp 2 lần. Giá quặng apatit trong nước cũng tăng gần 8% và nguồn cung ngày càng giảm dần. Thêm vào đó, giá dầu tăng và công-ten-nơ rỗng do thiếu hàng đã kéo theo giá cước vận tải tăng từ hai đến ba lần so với năm 2020, làm đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu cũng là nguyên cơ bản khiến giá phân bón tăng.
Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa khiến nguồn cung trên toàn thế giới giảm mạnh. Từ đó làm mất cân bằng cung cầu phân bón trong khu vực cũng như thế giới. Việc tăng giá nguyên liệu ảnh hưởng lớn đến giá phân bón trong nước. Một số doanh nghiệp sản xuất phân đạm urê từ khí cho biết, giá khí chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất. Dù phân bón là sản phẩm Việt Nam có thể tự sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và có một phần xuất khẩu nhưng do nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế có độ mở cao nên việc giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao nên giá phân bón trong nước cũng tăng theo.
3. Thực tế sản xuất, xuất, nhập khẩu phân bón tại nước ta
3.1. Sản xuất
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 800 nhà máy, cơ sở sản xuất phân bón, trong đó sản xuất phân bón vô cơ là 576 nhà máy, sản xuất phân bón hữu cơ là 26 nhà máy, cơ sở sản xuất. Trong đó, tổng công suất thiết kế của tất cả các cơ sở này là hơn 32 triệu tấn/năm. Hiện tại, xét về phân bón vô cơ (hay còn gọi là phân bón hóa học), Việt Nam đã sản xuất được phân urea, phân bón chứa lân (supe lân, lân nung chảy), phân 2 thành phần DAP, MAP, phân đa lượng NPK và phân bón kali (MOP). Phân bón hữu cơ và phân bón vi sinh được sản xuất với một lượng nhỏ, chưa có tính thương mại cao.
- Phân đạm urea, nước ta có 4 nhà máy, bao gồm: Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, với tổng công suất thiết kế gần 2,7 triệu tấn/năm.
- Phân bón chứa lân: Phân bón supe phốt phát (SSP), với 4 cơ sở sản xuất có tổng công suất thiết kế là 1.300.000 tấn/năm. Phân lân nung chảy: 4 nhà máy sản xuất với công suất thiết kế là 1.100.000 tấn/năm.
- Phân bón DAP, cả nước có 3 cơ sở sản xuất DAP, với công suất thiết kế hơn 700.000 tấn/năm.
- Phân bón NPK: Hiện cả nước có hàng trăm cơ sở sản xuất phân bón hỗn hợp NPK, quy mô từ vài nghìn tấn đến 800.000 tấn/năm, tổng công suất khoảng 3,5 triệu tấn.
- Phân bón kali: Hiện nay, nước ta có Công ty SOP Phú Mỹ sản xuất 20.000 tấn K2SO4 (SOP)/năm.
- Nitrat amon: Hiện nước ta có 2 nhà máy sản xuất nitrat amon lưỡng dụng, vừa làm nguyên liệu cho vật liệu nổ công nghiệp vừa làm phân bón, công suất 220.000 tấn/năm.
- Phân bón hữu cơ: Nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu ở Việt Nam rất đa dạng và dồi dào do nước ta là nước nông nghiệp nên phế phụ phẩm từ trồng trọt và chăn nuôi rất lớn. Tổng cộng lượng chất thải chăn nuôi lên tới hàng trăm triệu tấn.
Tổng sản lượng các loại phân bón sản xuất trong nước mấy năm gần đây dao động ở mức 7 - 8 triệu tấn/năm. Năm 2016, sản xuất 7,46 triệu tấn, năm 2017 là 7,99 triệu tấn, trong đó vô cơ là 6,97 triệu tấn, hữu cơ, sinh học là 1,02 triệu tấn, năm 2018 là 9,22 triệu tấn, trong đó phân bón vô cơ là 8,25 triệu tấn, phân bón sinh học là 0,96 triệu tấn.
3.2. Nhập khẩu
Lượng nhập khẩu phân bón cả nước dao động ở mức 4 đến 5 triệu tấn, trị giá thường hơn 1 tỷ USD. Thí dụ: năm 2010: 3,44 triệu tấn, giá trị 1,19 tỷ USD; năm 2015: 4,53 triệu tấn, trị giá 1,24 tỷ USD; năm 2020: 3,97 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD.
- Trong 6 tháng đầu năm 2021 nhập khẩu 2,3 triệu tấn phân bón các loại, giá trị 645 triệu USD tăng 15% về lượng và 27% về kim ngạch nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc và Nga là 2 thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 48% kim ngạch nhập khẩu phân bón (trong đó từ Trung Quốc chiếm khoảng 37 %).
3.3. Xuất khẩu
Việt Nam là quốc gia nhập siêu phân bón, lượng xuất khẩu ở mức thấp, năm đạt lượng xuất khẩu lớn nhất là năm 2012 với giá trị gần 500 triệu USD, một số số liệu về xuất khẩu phân bón của Việt Nam như sau: năm 2010 xuất 437 nghìn tấn, trị giá 151 triệu USD; năm 2012 xuất 1,1 triệu tấn, trị giá 483 triệu USD; năm 2015 xuất 810 nghìn tấn, trị giá 278 triệu USD; năm 2020 xuất 1,18 triệu tấn với trị giá 345 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2021: Xuất khẩu phân bón 6 tháng đầu năm 2021 đạt 660 nghìn tấn, tương đương 231 triệu USD, tăng 41% về lượng và 71% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn là Campuchia, Lào, Malaysia,… nhưng xuất khẩu sang Phillipines và Mosambique tăng đột biến, tăng gần 2 lần sang Phillipines và 3 lần sang Mosambique.
Với 4 nhà máy sản xuất urea nguồn cung trong nước hiện vẫn khá dồi dào, không có tình trạng khan hiếm hàng. Hiện nay, tổng công suất thiết kế urea của các nhà máy trong nước là dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ nội địa. Những năm trước, công suất sản xuất trong nước vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, vừa tăng cường xuất khẩu sang các nước tiềm năng để tìm kiếm phát triển thị trường.
DAP: hiện 2 nhà máy của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với công suất thiết kế là 660.000 tấn/năm, có thể cung cấp phần lớn DAP cho thị trường.
4. Một số đề xuất, kiến nghị giải pháp để góp phần bình ổn thị trường phân bón trong nước
Chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn, hiện chiếm gần một phần hai giá vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Giá phân bón tăng cao, trong khi đầu ra và giá bán nhiều mặt hàng nông sản thiếu ổn định đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như đời sống của người dân.
1. Đối với các doanh nghiệp sản xuất
Để góp phần bình ổn giá phân bón, đảm bảo nguồn cung, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, các doanh nghiệp sản xuất cần tăng tối đa công suất sản xuất để đảm bảo nguồn cung trong nước. Các doanh nghiệp nỗ lực tối đa chuẩn bị nguồn hàng cần thiết, vận chuyển hàng về các khu vực trong lúc thấp vụ để chuẩn bị sẵn cho vụ Đông Xuân sắp tới đảm bảo nguồn cung phân bón ra thị trường, tránh tâm lý lo lắng thiếu hàng hóa của người nông dân; từ đó loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá.
Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước phải yêu cầu và có biện pháp để các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước minh bạch về sản lượng sản xuất, lượng tồn kho và số lượng hàng bán ra thời gian gần đây.
2. Đối với các đơn vị sản xuất/kinh doanh và kinh doanh
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần phối hợp với các bên thực hiện kiểm soát tốt nguồn hàng, tránh tình trạng nhà phân phối đầu cơ, găm hàng gây sốt phân, sốt giá. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần triển khai các chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới người nông dân.
3. Người sử dụng/bà con nông dân
Từ thực tế phân bón vô cơ thường biến động mỗi khi vào vụ, đã đến lúc người nông dân cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất theo hướng giảm dần phân hóa học, tăng cường nguồn phân hữu cơ, phân sinh học, sử dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện 5 đúng theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với cây lúa, cần áp dụng các biện pháp khoa học tiến tiến như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” nhằm giảm tối đa giá thành, tăng năng suất từ đó mới đem lại lợi nhuận cho bà con nông dân.
4. Sửa đổi Luật Thuế số 71
Đề nghị Quốc hội thông qua việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật Thuế số 71, theo đó sớm đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT từ 0% - 5% là điều hết sức cấp thiết đối với các đơn vị trong ngành.
5. Chính sách về xuất, nhập khẩu và thuế phòng vệ thương mại
Trong bối cảnh giá phân bón liên tục tăng cao, các cơ quan quản lý nhà nước nên dùng phương pháp mềm kêu gọi các doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu phân bón, phục vụ sản xuất trong nước. Trong trường hợp cần thiết có thể vận dụng các công cụ về thuế suất xuất, nhập khẩu, tuy nhiên cần phải căn cứ vào quy định trong WTO và các hiệp định song phương, đa phương mà nước ta đã tham gia ký kết.
Cần có những đánh giá cụ thể và chính xác về ảnh hưởng của thuế phòng vệ thương mại đối với sản xuất trong nước, đối với lợi ích của các bên, đối với giá thành phân bón trong nước.
6. Vai trò của quản lý nhà nước
Để phát triển ngành phân bón bền vững, rất cần thiết phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng và điều kiện kinh doanh phân bón. Hiện nay, trên thị trường có quá nhiều đơn vị sản xuất phân bón, trên 800 cơ sở sản xuất phân bón, với hơn 10.000 đầu tên sản phẩm phân bón, chưa kể đến số lượng phân bón nhập khẩu. Vì vậy, cần phải giữ một số lượng vừa đủ số đơn vị sản xuất và số chủng loại phân bón. Cần tăng cường công tác kiểm tra, việc cấp phép sản xuất, khảo nghiệm, cấp giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón vô cơ và hữu cơ, giám sát kiểm tra việc sản xuất kinh doanh các loại phân bón trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh các loại phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng. Cần giảm một số thủ tục gây tốn kém không cần thiết cho đơn vị sản xuất như thủ tục về khảo nghiệm phân bón.
Phùng Hà (Hiệp hội Phân bón Việt Nam)
Nguồn: http://www.vnfav.com/mot-so-giai-phap-binh-on-gpb.htm
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Việt Nam cung cấp sầu riêng lớn thứ 2 cho Trung Quốc
- Nhức nhối vấn nạn phân bón giả hoành hành ở các tỉnh miền Tây
- Chuyên gia thế giới đánh giá thế nào về thị trường phân bón Việt Nam?
- MEKONGAGRI CHÚC MỪNG LÔ SẦU RIÊNG ĐẦU TIÊN XUẤT SANG TRUNG QUỐC
- Lộ diện thêm nhiều doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật gian dối
- Hiểu và sử dụng như thế nào cho đúng đối với các chất trung, vi lượng để đạt hiệu quả cao nhất cho cây trồng?
- Nguy cơ giá phân bón trong nước tiếp tục lập đỉnh mới
- QUY TRÌNH CANH TÁC CÂY DƯA HẤU
- KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY KHOAI LANG NHẬT
- Đứt gãy nghiêm trọng nguồn cung potash từ Canada, giá phân bón thế giới tiếp tục tăng vọt
- Nga giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu, dự kiến giá phân bón thế giới tăng sốc
- Nga giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu, dự kiến giá phân bón thế giới tăng sốc